Ngày 19/9, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) phối hợp với Sở NNPTNT TP. Hà Nội và UBND quận Long Biên tổ chức sự kiện quảng bá và giới thiệu mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP).
Nâng cấp, cải thiện điều kiện ATTP tại các chợ
Theo đại diện dự án SAFEGRO, ATTP hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của người dân ngày càng tăng cao. Chợ đầu mối và chợ dân sinh hiện đang phân phối khoảng 90% lượng thực phẩm và đảm bảo sinh kế cho nhiều tiểu thương. Tuy nhiên, nhiều chợ tại các địa phương đang gặp phải tình trạng xuống cấp về cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ kinh doanh thiếu thốn và chưa đáp ứng yêu cầu ATTP.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp ngành hàng chưa hợp lý và nhận thức về văn hóa kinh doanh lành mạnh của tiểu thương và người tiêu dùng còn chưa cao. Tất cả những vấn đề này đang là thách thức lớn đối với công tác quản lý và đảm bảo ATTP tại các chợ truyền thống.
Chợ Thượng Thanh, phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) là một trong những chợ đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, ATTP của quận Long Biên. Ảnh: Bình Minh
Nhằm góp phần giải quyết những thách thức này, Dự án SAFEGRO do Chính phủ Canada tài trợ đã phối hợp cùng UBND quận Long Biên (Hà Nội), và các công ty quản lý chợ thực hiện nâng cấp, cải thiện điều kiện ATTP cho chợ Thượng Thanh và chợ Kim Quan. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ mang lại cho người dân Thủ đô những sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng, với giá cả phải chăng, và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Dự án đã hỗ trợ rà soát, xây dựng các quy trình, thủ tục đảm bảo ATTP tại chợ, tuân thủ quy định của Việt Nam và học tập kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, các chuyên gia của SAFEGRO cũng tư vấn phân khu chức năng và sắp xếp ngành hàng trong chợ theo mức độ rủi ro ATTP.
Đặc biệt, SAFEGRO đã tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên sâu cho cán bộ quản lý ATTP, Công ty quản lý chợ, và các tiểu thương, đặc biệt là nữ tiểu thương, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong kinh doanh, buôn bán thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, SAFEGRO đã hỗ trợ các chợ nhiều thiết bị cần thiết để cải thiện ATTP, như hệ thống bàn inox cho quầy bán thịt, giết mổ gia cầm, và chậu nuôi cá tại chợ Thượng Thanh; thay mới hoàn toàn kệ inox cho các sạp bán rau tại chợ Kim Quan; trang bị đầy đủ bồn rửa tay và xe chở rác cho cả hai chợ; cùng với việc cung cấp đồng phục, tạp dề, mũ, găng tay cho tiểu thương nhằm cải thiện vệ sinh cá nhân. Dự án cũng cung cấp quy trình, công cụ, hóa chất làm sạch và khử trùng cho thiết bị và không gian chung của chợ.
Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, quận Long Biên hiện có 26 chợ dân sinh đang hoạt động với 150 hộ kinh doanh, trong đó có 14 chợ được công nhận đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm”. Ảnh: Bình Minh
Theo ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, hiện nay, quận Long Biên có 26 chợ dân sinh đang hoạt động với 150 hộ kinh doanh, trong đó có 14 chợ được công nhận đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm”; 26/26 chợ đã triển khai mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ năm 2015, quận Long Biên xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, đồng thời ban hành bộ tiêu chí về chợ văn minh thương mại. Trong đó gồm các mục như bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, an toàn thực phẩm (ATTP). Mô hình này chủ yếu nhấn mạnh về vấn đề văn minh thương mại, giao tiếp của các hộ kinh doanh, tiểu thương trong chợ.
Tuy nhiên, đến năm 2018, quận ban hành sửa đổi, bổ sung trong bộ tiêu chí chợ văn minh thương mại thành chợ văn minh thương mại, ATTP. Trong bộ tiêu chí này, quận đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATTP.Để đạt chợ văn minh thương mại, ATTP, quận Long Biên đề ra bộ tiêu chí với các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ đều phải bảo đảm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng rau phải có giá kệ, kê cao cách mặt đất 15cm. 100% hàng thịt có bàn bằng inox, thớt nhựa. Hàng thực phẩm chín phải có tủ kính bảo quản.Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các Công ty quản lý chợ và UBND quận Long Biên, đến thời điểm này, cơ sở hạ tầng và điều kiện vật chất tại hai chợ đã được nâng cấp đáng kể. Trong thời gian tới, Dự án vẫn tiếp tục đồng hành với UBND quận và các Công ty quản lý để hoàn thiện quy chế quản lý chợ, tập huấn cho các bên liên quan để áp dụng các thực hành tốt về ATTP, kết nối các đơn vị dịch vụ làm vệ sinh, và quản lý hiệu quả ATTP theo một số chuỗi ngành hàng thực phẩm chính.
Tiểu thương bán hàng trong chợ Thượng Thanh. Ảnh: Bình Minh
"Dễ dàng xác định các mối nguy, thay đổi hành vi, cách nhận thức cao hơn về ATTP"
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - tiểu thương chợ Kim Quan chia sẻ, sau 11 năm hoạt động chợ dân sinh, bằng sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của đơn vị quản lý chợ, thực hiện các tiêu chí của tiểu thương về chợ văn minh thương mại, ATTP, chợ Kim Quan đã được đánh giá đạt tiêu chuẩn chợ văn minh thương mại và ATTP từ năm 2021. Từ những năm đó, chúng tôi vẫn luôn duy trì thực thực hiện các điều kiện để kinh doanh thực phẩm an toàn. Được sự giới thiệu của quận Long Biên, chúng tôi đã được tiếp cận với Dự án “ATTP vì sự phát triển” của Chính phủ Canada và đã được dự án hỗ trợ: giá kệ inox để bày bán các sản phẩm rau, củ, quả thay vì giá kệ sắt ban đầu; thớt nhựa chặt, thái thay thế cho thớt gỗ; tạp dề thuận tiện trong bán hàng và giữ vệ sinh với trang phục cá nhân; mũ đội để tránh các nguy cơ gây mất ATTP; chất tấy rửa để vệ sinh, khử trùng sau bán hàng.
"Là một tiểu thương, tôi sẽ thực hiện và lan tỏa tới đồng nghiệp về nâng cao nhận thức, thực hiện các quy định, tiêu chí, các bước thực hiện ATTP trong quá trình kinh doanh để góp phần giữ gìn và phát triển danh hiệu chợ văn minh thương mại và ATTP lên một tầm cao mới hơn", chị Nguyễn Thị Hồng Vân cho hay.
Để đạt chợ văn minh thương mại, ATTP, quận Long Biên đề ra bộ tiêu chí với các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ đều phải bảo đảm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng rau phải có giá kệ, kê cao cách mặt đất 15cm. 100% hàng thịt có bàn bằng inox, thớt nhựa. Hàng thực phẩm chín phải có tủ kính bảo quản. Ảnh: Bình Minh
Còn theo chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm - Ban quản lý chợ Kim Quan, ATTP là một trong những yếu tố hàng đầu được Ban lãnh đạo các cấp của quận Long Biên quan tâm, sát sao chỉ đạo đối với các chợ dân sinh cũng như các điểm cung cấp thực phẩm cho cộng đồng. Quận Long Biên đã đi đầu trong công tác lập ra bộ tiêu chí để đánh giá chợ văn minh thương mại, ATTP và đa số các chợ trên địa bàn quận đã thực hiện và đạt tiêu chuẩn chợ văn minh thương mại và ATTP từ những năm 2020 đến nay.
"Với Dự án SAFEGRO, chúng tôi đã dễ dàng xác định các mối nguy, thay đổi hành vi, cách nhận thức cao hơn về ATTP, các tiểu thương của chúng tôi được trang bị cơ sở vật chất nhằm góp phần đảm bảo ATTP theo chuỗi giá trị, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Trên cương vị của Ban quản lý chợ, tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức, thực hiện các quy định và giám sát các bước thực hiện ATTP của các hộ kinh doanh trong chợ để góp phần xây dựng một hệ thống phục vụ thực phẩm an toàn và bền vững cho cộng đồng", chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm nói.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận