Họ có những người cha là đạo diễn, quay phim nổi tiếng. Và như duyên nợ, giờ đây họ tiếp nối hành trình của cha, mang theo niềm tự hào và cả những trách nhiệm nặng nề.
Từ phải qua: ba Nguyễn Phan Quang Bình, mẹ Ngô Thị Bích Hạnh và Nguyễn Phan Linh Đan - Ảnh: NVCC
Khi tôi chọn nghề quay phim, bố không nói ra nhưng tôi biết bố không muốn cho tôi làm nghề này bởi ông không muốn con gái mình khổ.NGUYỄN PHAN LINH ĐANĐó là câu chuyện của đạo diễn Phạm Việt Phước, đạo diễn Hồng Chi và nữ đạo diễn hình ảnh trẻ trung xinh đẹp Nguyễn Phan Linh Đan.
Mối duyên từ máy chụp hình
Đạo diễn Phạm Việt Phước hiện là giám đốc Hãng phim TFS (thuộcĐài truyền hình TP.HCM).
Anh là con của cố nghệ sĩ Phạm Khắc, từng là giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, ông Phạm Khắc là người khai sinh ra Hãng phim TFS.
Mẹ Việt Phước là họa sĩ Đặng Ái Việt, người đang rong ruổi khắp mọi miền đất nước vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng.
Đạo diễn Phạm Việt Phước thực hiện phim Mùa cúc susi - Ảnh: ĐPCC
Là người kế nhiệm đời thứ năm của Hãng phim TFS, Phạm Việt Phước đối diện với nhiều khó khăn để duy trì và đưa hãng phim phát triển.
"Đó là trách nhiệm nặng nề. Tôi cố gắng nhiều hơn nữa", anh nói. Trước khi làm công việc quản lý, Phạm Việt Phước là quay phim và đạo diễn có tay nghề. Một điều thú vị, mối duyên kế nghiệp cha bắt đầu từ máy chụp hình cũ của cha.
Mekong ký sự dưới cái nhìn Việt...ĐỌC NGAY
Nhưng quyết định "gắn bó" với máy quay phim lại là sự lựa chọn cuối cùng của anh. Hết lớp 12, Phước thi đậu ngành hóa.
Anh học một năm thấy không hợp nên bỏ ngang. Sau đó lại thi kinh tế, học quản trị kinh doanh. Học một thời gian anh cũng phải tạm hoãn vì thấy học không vô.
Thấy con trai có vẻ chẳng biết mình cần gì, năm 1999, đạo diễn Phạm Khắc khuyên con thi quay phim Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Phước thi đậu, học song song cả hai ngành: "Lúc vào trường, học những bài đầu tiên rồi đến khi làm bài tốt nghiệp tôi nhận ra đây đúng là công việc của mình rồi. Khi đã thấy hợp thì có thể nói tôi hòa nhập và phát triển rất nhanh".
Bài tốt nghiệp khóa quay phim, Phước làm với sự hỗ trợ của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Bộ phim mang tên Nhà tiên tri ảo sau đó mang đi dự thi và đoạt giải Ấn tượng của Liên hoan phim JVC Tokyo lần thứ 26.
Sau khi ra trường, giám đốc Hãng phim TFS lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hồ nhận Phạm Việt Phước vào làm nhân viên hợp đồng, phụ quay phim. Bộ phim truyện đầu tiên anh quay là Lục Vân Tiên.
Lúc còn sống ba không muốn tôi theo nghề, tôi có hỏi lý do nhưng ba không nói. Ông hướng tôi vào hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh. Sau này khi bước vào nghề tôi mới hiểu tại sao ba im lặng. Có lẽ vì ông thấy được sự khó khăn phía trước và chưa kể để thoát được cái bóng của ông thì không dễ.HỒNG CHIVà chuyện của Hồng Chi, Linh Đan
Một đạo diễn khác cũng đang làm việc tại Hãng phim TFS là Hồng Chi.
Anh là con trai của cố đạo diễn Hồng Sến, người nổi tiếng với các phim về đề tài chiến tranh, đặc biệt là hai phim Mùa gió chướng và Cánh đồng hoang. Mẹ Hồng Chi là diễn viên Kim Chi, chị gái là diễn viên Mai Phương.
Đạo diễn Hồng Chi đang chỉ đạo diễn xuất phim Miền quên lãng - Ảnh: ĐPCC
Ngày Hồng Chi thi học quay phim Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, ba Hồng Sến của anh đã không còn. Hồng Chi kể ban đầu anh đam mê hội họa, điêu khắc. Rồi một thời gian sau anh lại có thêm đam mê mới, đó là nhiếp ảnh.
"Có lẽ do sự hiếu động, thích đi đây đi đó, thích khám phá nên nhiếp ảnh đã gắn bó với tôi dài hơn và giúp tôi kiếm được thu nhập trong thời kỳ khó khăn khi ba mất" - anh nói.
Hồng Chi cũng chia sẻ thêm: "Giờ tôi là đạo diễn phim, ít cầm máy quay nhưng với tôi hình ảnh luôn quan trọng trong tác phẩm của mình. Tôi muốn gửi gắm thông điệp qua hình ảnh".
Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Phan Linh Đan - Ảnh: NVCC
Không thể không kể đến Nguyễn Phan Linh Đan, nữ đạo diễn hình ảnh hiếm hoi ở Việt Nam hiện nay. Cô gái xinh đẹp vừa đoạt giải quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2023. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một phụ nữ nhận giải quay phim xuất sắc.
Nguyễn Phan Linh Đan là con gái cưng của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và mẹ là nhà sản xuất phim Ngô Thị Bích Hạnh. Hai vợ chồng Bình - Hạnh sáng lập Công ty BHD sản xuất phim điện ảnh, truyền hình và các game show.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình nổi tiếng với các phim như Vũ khúc con cò (năm 2002), Cánh đồng bất tận (năm 2010), Quyên (năm 2015), Bí mật của gió (năm 2020). Quang Bình cũng là tổng đạo diễn nhiều chương trình nổi tiếng do BHD sản xuất.
TIN LIÊN QUANCánh đồng bất tận đến Mỹ
Nữ quay phim đầu tiên đoạt giải xuất sắc của lịch sử điện ảnh Việt: Cực khổ, vất vả và đáng quý
Thuở nhỏ, Nguyễn Phan Linh Đan sống cùng ông bà nội ở Hà Nội trong khi bố mẹ làm việc ở TP.HCM.
"Tôi chỉ nhìn bố từ xa, nên thật sự không biết rõ bố làm việc như thế nào. Tôi không hiểu tại sao bố vắng nhà thường xuyên đến vậy.
Bây giờ cuộc sống đưa đẩy tôi và bố lại đi cùng đường. Bước vào nghề tôi hiểu được khó khăn và niềm đam mê của bố" - Linh Đan nói.
Năm học cấp II, Đan bị mê hoặc bởi chiếc máy ảnh bố để lại ở nhà nội. Thế là Linh Đan tập tành học nhiếp ảnh. Với chiếc máy ảnh này, Đan đã bắt đầu kiếm ra tiền để tiêu vặt từ việc nhận sô chụp hình quảng cáo cho các cửa hàng quần áo thời trang.
Lớn lên, Đan học vẽ phim hoạt hình. Sau một thời gian tự thấy mình không có sự kiên trì để vẽ nên Đan không theo nghề, mà chuyển sang học quay phim.
"Ngày trước tôi nghĩ mình chụp hình là có gì chụp đó. Sau này tôi vỡ ra nhiều điều. Ví dụ như việc làm phim có thể biến thế giới trong tưởng tượng thành hiện thực, hay chỉ cần một chiếc máy quay phim thì mọi đam mê của tôi như đọc truyện, vẽ… đều gói gọn trong những thước phim", Linh Đan vui vẻ nói.
Hồi cấp II, thỉnh thoảng ba dẫn tôi theo ông ấy đi làm. Ba cho tôi một chiếc máy ảnh cũ để tôi chụp ảnh. Ba chỉ cho tôi cách chụp. Rồi sau đó ông cắt cúp hình lại, phân tích bức ảnh đó chụp sao cho đẹp. Giờ ngồi nghĩ lại, thấy đúng là tôi được truyền nghề từ lúc ấy.PHẠM VIỆT PHƯỚCDi sản của cha là động lực cho con
Tuổi thơ của Hồng Chi với ba Hồng Sến có nhiều kỷ niệm. Anh theo ba làm diễn viên trong các phim Ông Hai Lúa, Hòn Đất, Nhiệm vụ hoa hồng, Những bóng ma rừng.
Lớn lên một chút, thời gian rảnh anh lại lẽo đẽo đi theo sau ba cầm đèn quay video đám cưới, đám tang.
Cha con nghệ sĩ Hồng Sến, Hồng Chi và Mai Phương - Ảnh: NVCC
"Điều tôi yêu quý ở ba là sự cần cù, đam mê và quyết đoán. Một khi ông đã làm thì phải làm cho bằng được. Tôi nhớ có một lần khi đóng cảnh con tê giác lội xuống nước ngập sâu ở Đà Lạt.
Mọi thứ chuẩn bị xong thì không ai dám chui vào con tê giác được làm từ mô hình theo tỉ lệ thật. Thế rồi tôi thấy ba tự chui vào, lội xuống hồ nước lạnh khi mặt trời vẫn chưa kịp lên. Những hình ảnh ấy khiến tôi luôn nhớ khi nghĩ về ông.
Và tôi học được ở ông là luôn làm phân cảnh trước khi ra hiện trường quay, mọi thứ thực ra đã được tính toán từ khi cầm kịch bản trong tay", Hồng Chi tâm sự.
Đạo diễn Hồng Chi (trái) đang chỉ đạo diễn xuất
Hồng Chi cũng thật lòng nói rằng đã có thời gian anh sống dở chết dở: "Nếu công việc không thành công thì người ta nói tôi "cha làm thầy con đốt sách". Còn tôi mà làm tốt thì họ bảo chẳng qua là có gene từ ba.
Nhưng có ai biết được để vượt qua được những khó khăn đạt được chút thành công thì cái giá phải trả đôi khi rất lớn. Tôi phải làm việc gấp hai, gấp ba thì mới được ghi nhận. Thậm chí đôi khi tôi chấp nhận sự cô đơn để đạt được điều mình mong muốn trong tác phẩm".
"Bây giờ thì mọi việc đã ổn và điều may mắn là tôi chưa bao giờ suy nghĩ phải làm tác phẩm thật tốt vì mình là con của người cha nổi tiếng Hồng Sến.
Tôi sẽ làm thật tốt cho những vốn liếng, những điều mình được học, được trui rèn qua năm tháng. Tôi thực sự luôn khao khát đi tìm cái mới trong mỗi tác phẩm", anh trải lòng.
Hai cha con Phạm Khắc (trái) Phạm Việt Phước trong chuyến công tác tại Trung Quốc khi thực hiện phim tài liệu Me6kông ký sự - Ảnh: cắt từ clip.
Còn Việt Phước, những ngày cha con anh làm việc cùng nhau trong đợt quay phim tài liệu Mekong ký sự ở Trung Quốc cho anh nhiều kỷ niệm và bài học đáng nhớ.
Lúc đó ông Phạm Khắc làm tổng đạo diễn, còn Phước quay phim: "Chuyện ba lăn xả ở chiến trường, tôi được nghe qua lời kể của các bác và đọc sách về ba. Còn tôi tận mắt chứng kiến ba lăn xả với nghề trong hành trình Mekong ký sự".
Khi đã trở thành quản lý, anh nhận ra sự thành công của ba đó là ông dành hết tình yêu cho công việc và cách quản lý nhân sự tế nhị. Ông nghiêm khắc nhưng không làm tổn thương ai.
Việt Phước chia sẻ thêm: "Khi ba về hưu, ông vẫn đi làm ở Đài truyền hình HTV với vai trò cố vấn. Sau khi ông Phạm Khắc mất, Phước quyết định đi học tiếp đạo diễn để dung nạp thêm kiến thức bổ ích cho tác phẩm của mình.
Bộ phim tốt nghiệp Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò từng gây chú ý với câu chuyện tình dễ thương của anh bán bánh giò với cô gái bán bánh tráng.
Cha Nguyễn Phan Quang Bình và Nguyễn Phan Linh Đan
Một cô gái 43kg vác trên vai một máy quay trông ấn tượng. Nhưng cô gái ấy có khi nào rớt nước mắt khi theo đuổi nghề? Nguyễn Phan Linh Đan thẳng thắn:
"Có lúc tôi muốn từ bỏ đó chứ. Đó là khi tôi từ Mỹ mới về Việt Nam làm việc. Khó khăn lắm nhưng tôi không dám chia sẻ với ai bởi gia đình đã cảnh báo rồi. Mà tôi là cô gái cứng đầu, một khi theo đuổi thì cố gắng làm cho được.
Trong giới làm phim Việt, người ta chưa thể tin một cô gái trẻ như tôi làm được trò trống gì. Tôi mất một thời gian khá lâu để mọi người tin năng lực của mình".
Tin tức giải trí 30-8: Phim có Hoàng Thùy Linh dự giải Cánh diều; Cẩm Ly lội nước quay MV
Giờ đây Linh Đan bận rộn với nhiều dự án phim chiếu rạp của các đạo diễn có tên tuổi.
Linh Đan đang ấp ủ được làm cùng với những bạn trẻ cùng lứa tuổi, để có thể tạo nên những câu chuyện của chính lứa tuổi mình.
Dù đã được chứng minh năng lực qua những bộ phim "bom tấn" Việt, nhận được giải thưởng trong nghề nhưng Linh Đan bảo điều rất hạnh phúc nhất là khi thấy "trong đôi mắt bố lấp lánh niềm tự hào về con gái".
Đăng thảo luận