Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi trình Thường vụ Quốc hội ngày 24/9 đã loại bỏ quy định giới hạn sinh viên làm thêm tối đa 24 giờ mỗi tuần.
Theo dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên không quá 24 giờ mỗi tuần. Mức lương theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu hiện hành (vùng 1 là 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng). Để đảm bảo việc làm thêm không ảnh hưởng đến quá trình học tập, học sinh, sinh viên phải thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Các cơ sở này có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ các em trong suốt quá trình làm thêm.
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, lao động ở doanh nghiệp làm không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ; làm thêm dưới 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Như vậy, số giờ làm việc của học sinh, sinh viên trong thời gian học được đề xuất bằng một nửa lao động bình thường.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội
Bổ sung nhiều quy định hỗ trợ lao động thất nghiệp
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự Luật Việc làm sửa đổi mở rộng diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như người lao động có giao kết từ một tháng (hiện nay từ ba tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Một điểm mới trong dự luật là việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt hơn. Người lao động và người sử dụng lao động sẽ đóng tối đa bằng 1% tiền lương/quỹ tiền lương. Dự luật cũng mở rộng đối tượng được hỗ trợ, bao gồm các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do các yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn hoặc dịch bệnh.
Ông Dung chỉ ra chính sách hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hiện rất ít, gần như chỉ chi cho các trường hợp thất nghiệp. Trong khi đó, việc duy trì đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề không có hoặc không đáng kể; việc chi hỗ trợ đào tạo nghề chỉ với 3 triệu đồng là không đủ. Vì vậy, ông cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả của Quỹ quốc gia việc làm và mở rộng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp.
"Dự thảo luật lần này được thiết kế để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng như có các phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động", Bộ trưởng Dung nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy An, đại diện cơ quan thẩm tha, cho rằng báo cáo đánh giá tác động chính sách còn thiếu số liệu, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ, thuyết phục đối với những quy định sửa đổi trong dự thảo Luật. Báo cáo cũng chưa đánh giá cụ thể tác động đối với ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện chính sách.
Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động, có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ cần xác định Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ tài chính ngắn hạn và rà soát các quy định có liên quan để thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vừa thông qua.
Dự luật Việc làm sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2024.
Sơn Hà
Đăng thảo luận