Chốt phiên ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 giảm 0,05% xuống còn 5.851,20 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm 2 phiên liên tiếp kể từ đầu tháng 9/2024. Chỉ số Dow Jones sụt 6,71 điểm (tương đương 0,02%) còn 42.924,89 điểm và chứng khiến phiên giảm thứ hai liên tiếp. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,18% lên mức 18.573,13 điểm
Trước phiên giao dịch ảm đạm này, thị trường Phố Wall đã mất điểm trong phiên đầu tuần do chịu áp lực từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Tuần trước, lạc quan về mùa báo cáo tài chính quý 3 đã giúp thị trường có chuỗi phiên lập kỷ lục. Nếu tính từ đầu năm, S&P 500 hiện tăng khoảng 22%.
Trong phiên giao dịch ngày 22/10, cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt tăng lên trên 4,2%, lần đầu tiên trong khoảng 3 tháng gần đây. Tuy nhiên, về cuối phiên, lợi suất của kỳ hạn này đã giảm về dưới mốc 4,2%.
Nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh là phát biểu thận trọng của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về đường đi của lãi suất.
Kể từ khi Fed bắt đầu hạ lãi suất ở mức 0,5% vào tháng 9, lợi suất trái phiếu Mỹ đã có xu hướng đi lên. Một phần của diễn biến trên có thể đến từ các số liệu khả quan của kinh tế Mỹ - yếu tố có thể cản trở những đợt giảm lãi suất của Fed trong tương lai.
“Thị trường dường như đang chịu sức ép khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh và bắt đầu có lo ngại rằng Fed có thể đã mắc sai lầm khi nới lỏng chính sách quá mạnh vào tháng 9” - ông Michael Green, giám đốc danh mục tại Simplify Asset Management, nhận định với Reuters.
Theo chiến lược gia toàn cầu Quincy Krosby của LPL Financial, thị trường đã chuyển sang vùng quá mua và dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố tiêu cực nào. “Các nhà đầu tư cổ phiếu hiện lo ngại rằng Fed vẫn chưa tuyên bố chiến thắng trước lạm phát kèm theo những mối lo sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ” - bà Krosby nói với CNBC.
Ngoài động thái của Fed, nhà đầu tư cũng đang chờ loạt báo cáo tài chính tiếp theo dự kiến được công bố trong tuần này, bao gồm của Tesla và Coca-Cola vào ngày 23/10 và Honeywell một ngày sau đó.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, cổ phiếu hãng xe GM leo dốc gần 10% sau khi công bố lợi nhuận quý 3 tốt hơn kỳ vọng và nâng dự báo về kết quả kinh doanh cả năm. Cổ phiếu Philip Morris cũng vọt lên khoảng 10% sau khi nhà sản xuất thuốc lá nâng dự báo lợi nhuận cả năm.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Verizon mất 5% khi công bố kết quả kinh doanh thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Tương tự, cổ phiếu Lockheed Martin giảm 6% do doanh số bán hàng thấp hơn kỳ vọng.
“Vào mùa báo cáo lợi nhuận, thị trường cổ phiếu thường biến động mạnh, đặc biệt là khi vẫn còn nhiều sự không chắc chắn về hướng đi của lãi suất”- Giám đốc điều hành của Horizon Investment Services, ông Chuck Carlson, nhận định với hãng tin Reuters.
Theo vị chuyên gia này, những cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới khi các nhà đầu tư cố gắng tìm thêm manh mối rõ ràng hơn về lộ trình điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed.
Hiện đã có khoảng 1/5 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố kết quả. Trong đó, phần lớn đã vượt qua kỳ vọng của Phố Wall, theo FactSet.
Chứng khoán Mỹ dự kiến sẽ còn gặp nhiều phải nhiều biến động trong vài tuần tới khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi báo cáo lợi nhuận hàng quý của các doanh nghiệp, dữ liệu kinh tế mới và kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, sau đó là cuộc họp của Fed.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 6-7/11. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 91% Fed hạ lãi suất với mức 0,25% trong cuộc họp vào ngày 7/11.
Đăng thảo luận