Theo quyết định ban hành bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM có 12 nhóm đối tượng sẽ bị tác động tương ứng, trong đó giá đất ở tiệm cận 50% giá thị trường.
Trục Nguyễn Huệ có giá đất ở cao nhất là 687 triệu đồng/m2 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Bảng giá đất mới vừa được UBND TP ban hành có hiệu lực áp dụng từ ngày 31-10 đến 31-12-2025 áp dụng đối với 12 trường hợp và điều chỉnh tỉ lệ tăng giá đất ở tại nhiều tuyến đường, quận huyện.
12 đối tượng tác động bởi bảng giá đất
Theo quyết định 79/2024 của UBND TP về bảng giá đất thì có 12 đối tượng bị tác động trong các trường hợp tương ứng như sau:
Giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư đối với người được bồi thường về đất ở, người được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; Tính thuế sử dụng đất; Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; Tính lệ phí; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai;
Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân; Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Để giảm gánh nặng về tiền chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân hiện nay Bộ Tài chính xây dựng, sửa đổi nghị định miễn, giảm và sẽ trình Thủ tướng quyết định sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Còn tỉ lệ thu tiền thuê đất (từ 0,25 - 3%) hiện nay UBND TP.HCM đang xem xét quyết định.
Đất ở tiệm cận mức 50% giá thị trường
Nhìn tổng quan bảng giá điều chỉnh tiệm cận khoảng 50% giá thị trường so với mức tiệm cận khoảng 70% khiến người dân TP "sốc" với dự thảo bảng giá hồi tháng 7. Trong khi đó, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường thì bảng giá tại quyết định 02/2020 của UBND TP chỉ ở mức 30% giá thị trường.
Bảng giá đất điều chỉnh có mức giá cao nhất là 687 triệu đồng/m2 thuộc ba tuyến đường trung tâm Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) và thấp nhất 2,3 triệu đồng ở huyện Cần Giờ.
So với trước đây giá đất tại 3 tuyến trung tâm là 162 triệu đồng/m2 (bảng giá theo quyết định 02/2020) x với hệ số K là 3.5 sẽ là 567 triệu đồng/m2. Như vậy so với giá đất cũ thì giá mới tăng 120 triệu đồng/m2 (khoảng 21%). Trong khi so với dự thảo hồi tháng 7 thì 3 tuyến trung tâm có giá là 810 triệu đồng/m2.
Tại các quận trung tâm 1, 5, 10 so với bảng giá dự thảo hồi tháng 7 thì giá điều chỉnh đều giảm từ 5-10%. Các quận như 3, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh... mức điều chỉnh giảm trung bình 16-23%; quận 4 điều chỉnh giảm mạnh nhất, bình quân 19-35%.
Riêng TP Thủ Đức và 5 huyện ngoại thành, nhiều tuyến đường từng bị phản ứng "tăng sốc" hồi tháng 7, lần này giảm khá mạnh. Đơn cử, mỗi m2 Song Hành quốc lộ 22 từ 71 triệu đồng xuống 32 triệu đồng, giảm 55%; mỗi m2 đường Đặng Công Bình từ 41 triệu đồng xuống còn 18,5 triệu đồng, giảm 55%.
Một số tuyến đường trục đi qua nhiều quận huyện cũng có sự điều chỉnh giá. Ví dụ đường Điện Biên Phủ đoạn qua quận Bình Thạnh có giá 179,8 triệu/m2, đoạn qua quận 1 có giá lần lượt là 180,6 triệu/m2 và 225,8 triệu/m2 (tăng hơn 40% so với bảng giá theo quyết định 02/2020), đoạn qua quận 10 có giá 190,6 triệu/m2 (tăng khoảng 55% so với giá đất quyết định 02/2020).
Hoặc đường Võ Thị Sáu đoạn qua quận 1 có giá 260,8 triệu/m2 (tăng 33% so với giá đất quyết định 02/2020), đoạn qua quận 3 có giá 225,8 triệu/m2 (tăng hơn 22% so với giá đất quyết định 02/2020)...
Đăng thảo luận