Mất cả hai tay và hai chân khi mắc bệnh do não mô cầu ở tuổi lên 6, từ chỗ ám ảnh với nước, Théo Curin đã vượt qua trở ngại để chinh phục nhiều giải thưởng bơi lội và các đường đua mạo hiểm trên thế giới mà người bình thường cũng khó làm được.
Biến cố năm 6 tuổi
Năm 6 tuổi, Théo Curin thức dậy để đến trường nhưng cảm thấy lưng, cổ và đầu đau khủng khiếp. Bác sĩ chẩn đoán cậu mắc bệnh do não mô cầu và đưa ra quyết định khó khăn là đoạn cả hai tay và hai chân để giữ tính mạng.
Khi về nhà, không có tay và chân, cậu bé xem việc kéo khóa quần jean, tự ăn là những thử thách mình cần phải vượt qua.
Từ chỗ ám ảnh với nước, cuộc đời của Théo Curin đã thay đổi khi gặp tấm gương truyền nghị lực của Philippe Croizon, một vận động viên bơi lội cụt bốn chi đã phá kỷ lục và từng bơi qua eo biển Manche ở Anh.
“Tôi nhận thấy đắm mình trong làn nước là nơi duy nhất cho phép tôi di chuyển như bao người khác. Tôi đặc biệt có cảm giác tự do, sảng khoái khi bơi”, Théo Curin chia sẻ.
Vận động viên Théo Curin gặt hái nhiều thành tích ở “đường đua xanh”. Ảnh: Instagram nhân vậtNhiều năm theo đuổi sự nghiệp vận động viên bơi lội, Théo Curin đã gặt hái được nhiều thành tích như giành hai huy chương bạc, một huy chương đồng ở các giải Vô địch thế giới với nội dung bơi tự do 100m, 200m. Năm 2016, anh là thành viên trẻ nhất của đội bơi lội Pháp tại Thế vận hội Paralympic tổ chức tại Brazil, đứng thứ tư ở nội dung 200m tự do. Ngoài ra, Théo Curin còn tham gia các giải bơi lội mạo hiểm và đạt được Thử thách Titicaca năm 2021 và Santa Fe năm 2022. Anh là vận động viên cụt tứ chi đầu tiên hoàn thành đường đua khắc nghiệt Half Ironman gồm 3 môn phối hợp bơi, đạp xe và chạy tại Les Sables d'Olonne (Pháp) vào năm 2020.
Théo Curin là vận động viên cụt tứ chi đầu tiên hoàn thành đường đua Half Ironman tại Pháp năm 2020. Ảnh: Instagram nhân vậtThéo Curin đã truyền cảm hứng về tinh thần chiến binh, không đầu hàng số phận và tích cực kêu gọi cộng đồng phòng ngừa bệnh do não mô cầu bằng vắc xin, tránh rơi vào cuộc đua “thua nhiều hơn thắng”.
“Một mặt nào đó, tôi thấy mình may mắn khi mắc căn bệnh này từ rất nhỏ vì khi đó tôi chưa ý thức được chuyện gì xảy đến với mình. Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người lớn đều có thể mắc bệnh. Nếu không may con bạn có các triệu chứng đầu tiên của bệnh do não mô cầu, bạn phải hành động nhanh từng phút một, đó thực sự là một cuộc chiến với thời gian”, Théo Curin chia sẻ.
Năm 2023, nhằm nâng cao hiểu biết đẩy lùi bệnh do não mô cầu, Quỹ nghiên cứu về bệnh do não mô cầu, Liên đoàn các tổ chức phòng chống bệnh do não mô cầu (CoMO) và Sanofi đã ra mắt lá cờ đẩy lùi bệnh viêm màng não. Théo Curin đã đồng hành cùng 2 vận động viên cũng từng chịu di chứng do não mô cầu gồm Ellie Challis (Anh) và Davide Morana (Ý) cùng phất lên biểu tượng đầu tiên trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về bệnh này. Khi mắc bệnh, Ellie Challis chỉ mới 16 tháng tuổi còn Davide Morana 24 tuổi.
Théo Curin (trái) cùng hai vận động viên Davide Morana, Ellie Challis đồng hành nâng cao nhận thức về bệnh do não mô cầu. Ảnh: SanofiBệnh do não mô cầu phòng được bằng vắc xin
Vi khuẩn não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp và gây nhiều biến chứng nặng nề như: viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm màng ngoài tim... Trong đó, hai thể viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu thường gặp và nguy hiểm nhất do có thể gây tử vong nhanh chóng trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.
Theo Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ, các triệu chứng đầu tiên của bệnh do não mô cầu giống như đau đầu, đau họng, nhức toàn thân, sốt giống nhiễm virus thông thường dẫn đến khó chẩn đoán sớm. Bệnh nhân thường nhập viện ở giờ thứ 22, được xem là muộn để điều trị. Cứ 1 trong 5 người sống sót chịu các di chứng vĩnh viễn gồm đoạn chi, để lại sẹo trên da, nghe kém, co giật, stress, bất thường về nhận thức, tăng động giảm chú ý...
Thanh thiếu niên là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu cao. Ảnh: ShutterstockLứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu, trong đó có thanh thiếu niên. Một nghiên cứu phân tích gộp 89 nghiên cứu từ 28 quốc gia cho thấy thanh thiếu niên là nhóm người lành mang trùng cao nhất, trong đó có 23,7% là ở độ tuổi 19.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, trong số bệnh nhân tử vong do não mô cầu xâm lấn, có đến 48% là thanh thiếu niên. Ở Úc, Canada, châu Âu, New Zealand và Mỹ, thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc não mô cầu cao hơn 1,5 đến 3 lần so với nhóm dân số chung. Tại Việt Nam, thanh thiếu niên và người trưởng thành chiếm 60% số ca não mô cầu được báo cáo.
Theo báo cáo Gánh nặng kinh tế - Chi phí bệnh tật ở Đức từ năm 2001-2015, trung bình mỗi ca bệnh mất 57.000 - 171.000 Euro (hơn 1 tỷ đến 4,5 tỷ đồng). Ở Việt Nam, chi phí chăm sóc người bệnh chiếm 83% tổng chi tiêu của gia đình.
Tiêm ngừa là biện pháp phòng bệnh do não mô cầu hiệu quả nhất. Ảnh: FreepikHiện nay có 12 nhóm huyết thanh gây bệnh chính, trong đó có 6 nhóm huyết thanh A, B, C, X, W và Y gây ra 90% trường hợp não mô cầu trên thế giới. Chủng ngừa là cách hiệu quả nhất giúp bảo vệ chống lại bệnh do não mô cầu. Hiện Việt Nam có 3 loại vắc xin phòng 5 nhóm não mô cầu khuẩn nguy hiểm trên gồm nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Trong đó, vắc xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 phòng viêm màng não do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính C, Y và W-135. Mọi người cần tiêm phòng đầy đủ các nhóm vi khuẩn não mô cầu gây bệnh.
Tiên Cẩm
Đăng thảo luận