Đường hầm đã từng được sử dụng trong chiến tranh từ thời đế quốc La Mã cổ đại, đến hai cuộc đại chiến thế giới đẫm máu nửa đầu thế kỷ 20, rồi chiến tranh ở Việt Nam và bán đảo Triều Tiên...

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 1: Đường hầm công thành đến phòng thủ  第1张

Chiến tranh thế giới thứ nhất, công binh Pháp sử dụng ống nghe để theo dõi âm thanh đối phương ở đường hầm bên cạnh - Ảnh: Corbis

Ngay thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 này, chiến thuật đường hầm vẫn bùng phát trở lại như chiến trường đang rực lửa giữa Israel và Hamas. Dù đã có nhiều công nghệ vũ khí đối phó như robot, bom hạng nặng xuyên phá boong ke, cuộc chiến dưới lòng đất thời hiện đại vẫn luôn là mối quan tâm đặc biệt của quân đội các nước.

Chừng nào còn có chiến tranh, đường hầm gần như chắc chắn là một phần của cuộc chiến.

TS ARTHUR HERMAN

Để trả đũa Hamas tấn công đẫm máu Israel và bắt giữ hàng trăm con tin vào ngày 7-10-2023, lực lượng phòng vệ Israel đã tiến hành chiến dịch Gươm Sắt trên không, trên biển và trên bộ nhằm tiêu diệt năng lực quân sự của Hamas, chấm dứt giai đoạn thống trị của Hamas trên Dải Gaza và đưa các con tin trở về. Mục tiêu tấn công chủ yếu của quân đội Israel là "mê cung" đường hầm Hamas.

Đào đường hầm công thành và chiến thuật chống đào hầm

  • Phát hiện đường hầm sâu 50m, rộng đủ cho xe hơi chạy ở Gaza

  • Israel phát hiện 800 lối vào thuộc hệ thống đường hầm Hamas

Thật ra đường hầm đã được sử dụng trong chiến tranh từ hơn 4.000 năm trước. Trên trang web của Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại (FPRI) của Mỹ, GS Paul J. Springer chuyên nghiên cứu sử học quân sự so sánh tại Trường Chỉ huy và tham mưu không quân cho biết ngày xưa quân bao vây thường đào đường hầm áp sát thành lũy rồi đốt gỗ và nhiều vật liệu khác để tường thành suy yếu và đổ sập, sau đó xuất kỳ bất ý luồn vào thành tập kích.

Các bức chạm khắc của người Assyria đã mô tả binh lính của Sargon Đại đế (trị vì từ năm 2334 - 2279 trước Công nguyên) phá tường thành quân thù.

TS sử học Arthur Herman - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Hudson (Mỹ) - nhận xét điều trớ trêu là chiến tranh trong đường hầm ngày xưa đã từng xảy ra tại khu vực mà ngày nay là hai quốc gia Israel và Palestine.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 450 hệ thống hang động cổ ở khu vực Thánh địa giữa Địa Trung Hải và sông Jordan. Người La Mã nổi tiếng về kỹ thuật đào đường hầm trong quá trình chinh phạt.

Do đó, dân Do Thái đã sử dụng hang động đào trong sườn núi để đánh quân La Mã trong Cuộc nổi dậy vĩ đại (năm 66 - 70). Trong cuộc chiến biên giới sông Rhine và sông Danube ở châu Âu từ năm 166 - 180, các bộ tộc German đã đào hào ngầm liên thông bằng đường hầm rồi từ lòng đất lao ra tấn công quân La Mã.

Đã có đường hầm tất nhiên phải có chiến thuật chống đường hầm. Khi bị vây thành, quân phòng thủ đặt chuông dọc tuyến phòng thủ hoặc đặt chén nước dọc đỉnh tường thành để phát hiện chấn động.

Nhà sử học La Mã cổ đại Polybius đã mô tả thành phố Ambracia của Hy Lạp cổ bị quân La Mã bao vây vào năm 189 trước Công nguyên. Người La Mã đào đường hầm song song với tường thành.

Quân phòng thủ bèn đào con hào bên trong rồi đặt nhiều bình bằng đồng thau rất mỏng dọc đáy hào để lắng nghe âm thanh đào bới bên ngoài. Sau khi xác định chiếc bình nào rung lắc nhiều nhất, họ đào từ trong thành ra hướng trực diện đường hầm quân địch. Đây là mô tả đầu tiên trong lịch sử về sử dụng âm thanh để phát hiện đường hầm.

Quân phòng thủ có thể tương kế tựu kế chờ đêm xuống chặn ngang đường hầm của quân vây hãm rồi đấu tay đôi trong bóng tối. Phương cách khác là dẫn nước gây ngập hoặc dùng khói độc phun vào đường hầm.

Trong cuộc vây hãm thành phố La Mã Dura-Europos vào năm 256, binh lính Ba Tư đào đường hầm dưới tường thành thì đụng phải đường hầm chặn đường của quân La Mã. Họ bèn dùng khí độc chế từ hắc ín và lưu huỳnh tấn công. Có lẽ chiến tranh khí độc trong đường hầm đầu tiên được biết đến là đây!

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 1: Đường hầm công thành đến phòng thủ  第2张

Lính Mỹ phun lửa vào đường hầm lính Nhật trên đảo Iwo Jima năm 1945 - Ảnh: Bộ Tư lệnh Di sản và lịch sử hải quân Mỹ

Hầm hào trong chiến tranh thế giới

Chiến thuật đào đường hầm và chống đường hầm tiếp tục xảy ra vào thời Trung cổ. Đường hầm cũng đã tác động đến quá trình thiết kế công sự phòng thủ. Lâu đài có tường cao phải đào hào sâu xung quanh để buộc quân địch muốn đào đường hầm phải phá nền đá cứng, như vậy địch khó xâm nhập hơn và phát âm thanh đào đường hầm lớn hơn. Hào ngập nước lại càng phát huy tác dụng phòng thủ.

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 1: Đường hầm công thành đến phòng thủ  第3张

Tranh vẽ đường hầm vây thành theo bài viết của nhà sử học La Mã cổ đại Polybius - Ảnh: GETTY IMAGES

Đến thế kỷ 16, thuốc súng càng làm chiến tranh dưới lòng đất đẫm máu hơn và sức mạnh hủy diệt đường hầm tăng thêm. Thay vì đốt gỗ đánh phá tường thành, quân bao vây dùng thuốc nổ. Đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhiệm vụ chính của các kỹ sư đường hầm là xây chiến hào ở mặt trận phía Tây. Chiến hào về cơ bản chính là hệ thống đường hầm tĩnh giữ vai trò tiền tuyến.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà chiến lược quân sự nghĩ đến giải pháp đưa quân đội xuống đường hầm. Nỗ lực nổi tiếng nhất (và vô ích nhất) là phòng tuyến Maginot ở Pháp. Đây là hệ thống boong ke và kho ngầm dưới lòng đất yểm trợ cho 22 pháo đài lớn trên mặt đất và 36 pháo đài nhỏ hơn. Các đầu máy xe lửa chạy trên đường ray xuyên qua các đường hầm giữ vai trò kết nối.

Năm 1940, quân Đức đã áp dụng chiến thuật tấn công chớp nhoáng (blitzkrieg) cơ động vòng qua phòng tuyến Maginot, thế là hàng ngàn binh sĩ trong các pháo đài đã không có cơ hội nổ súng.

Quân đội Mỹ cũng xây dựng phòng tuyến tương tự với quy mô nhỏ hơn trên đảo Corregidor ở vịnh Manila (Philippines). Đường hầm Malinta dài 253m, rộng 7,3m, cao 5,4m cung cấp đạn dược và lương thực cho các pháo đội trú đóng trong vách đá.

Ngoài ra còn có 24 đường hầm nhánh làm kho chứa và chỗ ngủ. Đây là nơi tướng Mỹ Douglas MacArthur và Tổng thống Philippines Manuel Quezon trú ẩn trong thời gian quân đội Nhật hoàng chiếm đảo Luzon (Philippines) vào tháng 12-1941. Đường hầm Malinta cũng trở nên vô dụng bởi chiến thuật cơ động.

Chiến tranh đường hầm không phải là lĩnh vực độc quyền của phương Tây. Trong các cuộc giao tranh ở trấn Nhiễm Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) năm 1937 - 1938 thời chiến tranh Trung - Nhật, du kích Trung Quốc đã đào đường hầm dài gần 14,5km giữa các ngôi nhà trong làng đến các hố cá nhân để tập hậu lính Nhật.

Quân Nhật dùng nước và khí độc tấn công. Quân du kích đối phó bằng cách lắp hệ thống thoát nước và khí. Trò mèo vờn chuột điển hình của chiến tranh đường hầm tiếp diễn đến khi quân Nhật rút lui.

Thế chiến thứ hai, quân Nhật cũng đã xây dựng nhiều boong ke và ụ súng ngầm trong mạng lưới đường hầm phức tạp trên đảo Peleliu và đảo Iwo Jima. Trong trận đảo Peleliu (từ tháng 9 đến 12-1944), thủy quân lục chiến Mỹ chịu thương vong gấp đôi so với quân Mỹ đánh trận Tarawa (tháng 11-1943), chủ yếu do đường hầm Nhật.

Trong trận Iwo Jima (tháng 2 và 3-1945), quân Mỹ phải sử dụng súng phun lửa, thuốc nổ và lựu đạn diệt từng đường hầm một trên núi Suribachi và phải mất hai tháng dọn đường hầm sau khi đảo Iwo Jima thất thủ.

TS sử học Arthur Herman đánh giá các chiến binh giỏi nhất trong chiến tranh đường hầm thời chiến tranh lạnh chính là quân đội Việt Nam và quân đội Triều Tiên. Trong chiến tranh ở Việt Nam, địa đạo Củ Chi nổi tiếng là "thành phố dưới lòng đất". Mạng lưới đường hầm được trang bị đầy đủ kho đạn, doanh trại, nhà xưởng, nhà bếp, bệnh viện và thậm chí cả rạp chiếu phim.

*************

Sau khi quân đội Hàn Quốc đề nghị đơn vị chuyên khoan giếng của công binh Mỹ giúp đỡ, một số đường hầm của CHDCND Triều Tiên đã được tìm thấy. Nhưng vì sao Hàn Quốc không lấp các đường hầm của Bắc Hàn?

Kỳ tới: Bốn đường hầm trên bán đảo nóng Triều Tiên