Nghiên cứu mới đây nhất từ các nhà khoa học Mỹ và Singapore cho thấy biến đổi khí hậu đang làm thay đổi quỹ đạo và hành vi, khiến bão mạnh hơn ở Đông Nam Á và ngày càng hình thành ở gần bờ biển.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Rowan, Mỹ; Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore và Đại học Pennsylvania, Mỹ, đưa ra kết luận dựa trên phân tích hơn 64.000 cơn bão lịch sử và tương lai được mô hình hóa, kéo dài từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 21. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng dữ liệu từ nhiều mô hình khí hậu để kiểm tra bão trong ba thế kỷ.
Hạ Long (Quảng Ninh) tan hoang sau bão Yagi. Ảnh: Giang Huy
Bão thường hình thành ở vùng nhiệt đới gần đường xích đạo, đặc trưng bởi vùng nước biển ấm, cung cấp nhiệt và độ ẩm cần thiết cho các cơn bão này phát triển và mạnh lên.
"Đông Nam Á có đường bờ biển rất đông dân cư, hiện là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu tiếp xúc với mực nước biển dâng cao trong tương lai. Khi bạn nhìn vào đường bờ biển đông dân cư đó và đó là khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, thì có một rủi ro thực sự, đặc biệt là khi những cơn bão đó gây thiệt hại nặng nề hơn và dân số tiếp tục tăng lên", Andra Garner, tác giả chính của nghiên cứu và trợ lý giáo sư tại Trường Môi trường & Trái đất của Đại học Rowan cho biết trên Nature.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Nature Climate and Atmospheric Science, nhấn mạnh những thay đổi đáng kể trong hành vi của bão ở Đông Nam Á, như chúng ngày càng hình thành gần bờ biển và di chuyển chậm trên đất liền - những yếu tố có thể gây ra rủi ro mới cho khu vực.
Thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, nhiều nhà đang ngập sâu do mưa lớn Yagi. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo các nhà nghiên cứu, nước biển ấm lên trên khắp thế giới đang tiếp thêm sức mạnh cho những cơn bão này. Nước biển càng ấm lên, bão càng có thể hút nhiều năng lượng hơn từ chúng.
Bão đã gây ra mưa xối xả và lũ lụt nghiêm trọng trên khắp Đông Nam Á, khiến nhiều người phải sơ tán hàng loạt, phá hủy cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người. "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng khi các cơn bão di chuyển qua các đại dương ấm hơn do biến đổi khí hậu, chúng hút nhiều hơi nước và nhiệt hơn. Điều đó có nghĩa là gió mạnh hơn, lượng mưa lớn hơn và lũ lụt nhiều hơn khi bão đổ bộ vào đất liền", GS Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái Đất Singapore của NTU, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Bão hình thành và 'chết' như thế nào?Bão hình thành và chết thế nào?. Video:Curious DNA
Không giống như các nghiên cứu truyền thống về mô hình thời tiết và bão trong lịch sử, các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh các mô phỏng trên máy tính để thao tác các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mức tăng dự kiến của khí thải do con người gây ra và tác động của chúng đối với hành tinh đang nóng lên. Những mô phỏng này đã cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nơi hình thành, mạnh lên, chậm lại và cuối cùng là tiêu tán của bão.
"Tận dụng chín mô hình khí hậu toàn cầu, nghiên cứu này làm giảm đáng kể sự không chắc chắn trong việc dự đoán những thay đổi của bão, vốn là một thách thức trong các nghiên cứu trước đây chỉ sử dụng một mô hình duy nhất", Dhrubajyoti Samanta, Nghiên cứu viên cao cấp tại Đài quan sát Trái Đất Singapore của NTU và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
"Thực hiện phân tích dài hạn cho phép hiểu rõ hơn về cả những thay đổi trong quá khứ và tương lai đối với quỹ đạo bão, từ đó có thể thông báo cho các chiến lược phục hồi ven biển trong cả tương lai gần và xa hơn", đồng tác giả Mackenzie Weaver, từ Khoa Khoa học Trái đất và Môi trường tại Đại học Pennsylvania nói thêm.
Theo Garner, các quốc gia cần có hành động để giảm phát thải, bảo vệ các đường bờ biển để hạn chế tác động xấu của bão trong tương lai.
Đông Nam Á có đường bờ biển đông dân cư. Gần đây nhất bão Yagi đã ảnh hưởng hàng chục triệu người sống ở các vùng ven biển và khiến các thành phố như Bangkok ở Thái Lan, Hải Phòng, Quảng Ninh ở Việt Nam và Yangon ở Myanmar thiệt hại nghiêm trọng trước các mối đe dọa chưa từng có do bão kéo dài và dữ dội hơn.
Bảo Anh (Tổng hợp)
Đăng thảo luận