Agribank cùng Ngành Ngân hàng vinh dự được đóng góp, đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa bàn Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,5% dân số cả nước, nhưng đã đóng góp tới 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 20% thu nội địa của Việt Nam. Đây là những con số thể hiện rõ vị thế của Hà Nội như một trung tâm kinh tế lớn, động lực phát triển của cả nước.

Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm; 9 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 6,2%, với các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Một trong những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế Thủ đô năm 2024 là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 23,1% và đạt 92,8% dự toán cả năm; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do Hà Nội quản lý tăng 34,9%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,2%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm…

Agribank đồng hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô  第1张 Công tác an sinh xã hội luôn được Agribank triển khai với nhiều chương trình thiết thực trên địa bàn Hà Nội để "không ai bị bỏ lại phía sau"

Với trên 2.000 điểm giao dịch của 486 tổ chức tín dụng (TCTD), gồm trụ sở chính đến chi nhánh cấp I, với đủ các loại hình đang hoạt động trên địa bàn, địa bàn Hà Nội chiếm khoảng gần 1/3 tổng nguồn vốn huy động và cho vay tín dụng của cả nước, cùng trên 50% vốn huy động được điều tiết hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương khác, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và ổn định trật tự xã hội chung của đất nước.

Agribank với 268 điểm giao dịch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, là Ngân hàng có số lượng điểm giao dịch lớn nhất trong các NHTM, vinh dự góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội trên địa bàn. Việc Agribank triển khai quyết liệt các giải pháp về tiền tệ, nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng cho người dân trên địa bàn.

Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank nỗ lực đẩy mạnh tín dụng thông qua nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và địa bàn Thủ đô nói riêng. Trong thời gian qua, Agribank đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân kịp thời tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Giai đoạn 2019 - 2023, bình quân dư nợ cho vay nền kinh tế của các chi nhánh Agribank khu vực Thành phố Hà Nội khoảng 135 ngàn tỷ đồng, cao nhất là năm 2023 đạt trên 144.485 tỷ đồng, cho thấy vai trò và nỗ lực của ngân hàng trong việc cung cấp vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của Thủ đô. Nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ phát triển các dự án kinh tế trên toàn địa bàn, giúp hàng triệu hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Agribank đồng hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô  第2张 Nguồn vốn Agribank góp phần gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thông trên địa bàn Thủ đô

Kinh tế của Thủ đô những năm qua ghi nhận những bước tiến nổi bật trong phát triển nền nông nghiệp mang tính đặc thù khi nằm trong lòng đô thị. Với diện tích đất nông nghiệp hạn chế nhưng nhu cầu tiêu dùng và phát triển nông sản lại ngày càng tăng. Nhằm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường, Hà Nội đã hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, gắn với công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là một phần trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy nông nghiệp bền vững mà thành phố đang hướng tới.

Là NHTM chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, Agribank là người bạn đồng hành tin cậy trong sự nghiệp phát triển của nền nông nghiệp nói chung và nông nghiệp địa bàn Thủ đô nói riêng. Agribank đã và đang trở thành “cầu nối” quan trọng giữa nguồn vốn tín dụng và các doanh nghiệp, hộ gia đình nông nghiệp tại Hà Nội khi tiên phong trong việc cung cấp các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, giúp người dân và doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, đầu tư vào các công nghệ mới, và nâng cao năng suất lao động. Với hơn khoảng 300 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trên địa bàn thành phố, Agribank đã hỗ trợ nguồn lực tài chính đáng kể góp phần thúc đẩy các dự án nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Agribank đồng hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô  第3张

Nhiều dự án, mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế

Bên cạnh hoạt động tín dụng và dịch vụ ngân hàng, Agribank còn đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Agribank phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực, trao tặng học bổng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng... với mong muốn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD, đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD... Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố Hà Nội sẽ phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn trong thời gian tới. Agribank mong muốn cùng Ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị tiếp tục đồng hành, xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.