Một tòa án quân sự ở CHDC Congo đã tuyên án tử hình đối với 37 người, trong đó có ba người Mỹ, về tội tham gia âm mưu đảo chính.

3 người Mỹ tham gia đảo chính bị tuyên án tử hình  第1张

Ba bị cáo quốc tịch Mỹ Tyler Thompson Jr, Marcel Malanga và Benjamin Reuben Zalman-Polun (từ trái sang) trong phiên tòa tại CHDC Congo hồi tháng 6-2024 - Ảnh: CNN

Theo Đài CNN, các bị cáo người Anh, Bỉ, Canada và một số người Congo có thể nộp đơn kháng cáo về bản án gồm hàng loạt tội danh như: khủng bố, giết người và các tội danh khác.

Trước đó, 14 bị cáo đã được tuyên trắng án trong phiên tòa hồi tháng 6 vừa qua.

Hồi tháng 5, ông Christian Malanga - một chính trị gia và cựu sĩ quan quân đội CHDC Congo có quốc tịch Mỹ - đã lãnh đạo đám đông đảo chính nhằm vào dinh tổng thống và một đồng minh thân cận của Tổng thống Congo Felix Tshisekedi.

  • Lại xảy ra giẫm đạp ở Congo, 11 người thiệt mạng

  • Đứt dây điện cao thế, 25 tiểu thương thiệt mạng tại chỗ ở Congo

  • Đoàn xe Liên Hiệp Quốc bị tấn công, đại sứ Ý tại Congo thiệt mạng

Tuy nhiên, ông Malanga bị bắn chết ngay sau khi phát trực tiếp cuộc đảo chính bất thành trên kênh mạng xã hội của mình.

Bị cáo Marcel Malanga (21 tuổi, quốc tịch Mỹ), con trai của ông Malanga, cùng với hai người Mỹ khác đã bị kết án tử hình.

Trong khi đó, mẹ của bị cáo Marcel, bà Brittney Sawyer cho rằng con trai mình vô tội vì cậu chỉ làm theo những gì người cha sai bảo.

Bị cáo người Mỹ khác là anh Tyler Thompson JR đã đến châu Phi để đi nghỉ mát. Gia đình bị cáo Thompson khẳng định anh không biết về ý định đảo chính của cha con nhà Malanga, cũng không có kế hoạch hoạt động chính trị và thậm chí không có kế hoạch đến Congo.

Theo thân nhân của anh Thompson, gia đình Thompson chỉ định đến Nam Phi và Eswatini, miền nam châu Phi nghỉ mát cùng gia đình Malanga.

Bị cáo người Mỹ còn lại là anh Benjamin Reuben Zalman-Polun (36 tuổi), người được cho là đã quen biết gia đình Malanga thông qua một công ty khai thác vàng.

Hồi đầu năm 2024, chính quyền Congo đã khôi phục án tử hình sau hơn 20 năm, trong bối cảnh quốc gia Trung Phi này nỗ lực kiềm chế bạo lực và các cuộc tấn công của phiến quân nổi dậy trong nước.