Những thành quả đạt được đến nay là quá trình phấn đấu và nỗ lực vượt khó ở xứ người hơn chục năm của chị Ngô Thị Út Luân

Chị Ngô Thị Út Luân, Tổng Giám đốc Công ty CP K-Beauty Worldwide Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP HCM), từng có tuổi thơ khó khăn, vất vả và một thời gian dài đi xuất khẩu lao động. Nữ CEO sinh năm 1986 hiện quản lý 3 công ty với doanh thu hàng chục tỉ đồng, tạo nhiều việc làm cho người lao động (NLĐ).

Thử thách bản thân

Sinh ra trong một gia đình đông con ở vùng quê nghèo của huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa), vì gia cảnh khó khăn nên đến năm lớp 10, Út Luân phải chuyển vào tỉnh Ninh Thuận sống cùng chị đang làm giáo viên tại đây. Nhà chị gái cũng không khấm khá gì nhưng Luân nỗ lực học tập và thi đậu ngành kế toán Trường ĐH Nha Trang. Tại đây, Luân biết đến chương trình EPS và đăng ký học thêm tiếng Hàn để tìm kiếm cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Cuối năm 2008, khi vừa tốt nghiệp đại học, Út Luân nhận được tin chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo diện visa E-9 (dành cho lao động phổ thông). Khi đó, người mẹ già yếu phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua vé máy bay cho con. Sang Hàn Quốc, cô gái trẻ được phân về làm cho một công ty sản xuất linh kiện chiếu sáng. Công việc nặng nhọc, lại nhiều bỡ ngỡ nhưng chẳng có gì làm khó Út Luân. Làm được một thời gian thì công ty hết việc nên Luân đến làm việc tại một công ty khác với công việc nặng nhọc hơn, thường chỉ dành cho nam giới.

 NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Nghị lực của cô gái xứ Thanh 第1张

Chị Ngô Thị Út Luân (giữa) và 2 đồng sáng lập người Hàn Quốc

Chị kể ở công ty thứ 2, khu nhà ở là thùng container nên mùa đông rất lạnh, do đó chị chọn làm ca đêm vì vào công ty ấm hơn. Theo chị Luân, chọn làm công việc này là muốn thử thách bản thân, học hỏi kỹ thuật của người Hàn và cố gắng kiếm tiền để gửi về trả nợ, giúp gia đình ở quê nhà có cuộc sống tốt hơn. Sau đó, chị chuyển đến một doanh nghiệp (DN) sản xuất nhựa tại KCN Namdong (Incheon).

"Có nhiều thách thức với lao động khi ra nước ngoài làm việc, trong đó phổ biến nhất là khó giao tiếp bằng tiếng của nước sở tại và vị trí công việc. Chỉ làm những công việc giản đơn, theo sự phân công, ngày này qua ngày khác thì mục tiêu để học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng sẽ khó thành hiện thực" - chị Luân nói. Vì vậy, cô gái trẻ đã nỗ lực học tiếng Hàn, luyện kỹ năng phản xạ giao tiếp bằng cách tranh thủ tiếp xúc với quản lý và ông chủ. Luân cũng chủ động xin làm ngoài giờ không lương để học cách thao tác, sửa chữa máy móc.

Dần dần, từ một công nhân, Luân vươn lên trở thành nhân viên kỹ thuật, một mình có thể làm được khối lượng công việc của 2 - 3 người cùng lúc. Ông chủ từ đó có cái nhìn khác về Luân, xem cô gái Việt Nam này là "người không thể thay thế" của công ty và có nhiều chính sách để giữ chân Út Luân. Một trong những chính sách đó là thưởng cho chị một ô tô để tiện đi lại.

Khẳng định năng lực

Giỏi tiếng Hàn, biết kỹ thuật nên chị được tin tưởng giao quản lý xưởng sản xuất. Từ đó, vai trò của Út Luân ngày càng quan trọng bởi chị có thể quán xuyến mọi hoạt động mà vốn xưa nay công việc đó là của giám đốc.

Công việc tiến triển tốt, cô gái Việt này tiếp tục thay đổi cái nhìn của đồng nghiệp và giới chủ khi được giao phụ trách cả công việc của khối văn phòng. Ở vai trò nào chị Luân cũng làm tốt như kỳ vọng của ông chủ. Chị cho rằng kết quả này là điều mà ai đi làm xa cũng hiểu. Đó là lòng tự ái dân tộc. Vì vậy, chị luôn cố gắng phải làm bằng được mọi công việc để nâng giá trị của NLĐ Việt Nam.