(NLĐO) - Kamo'oalewa, "mặt trăng thứ 3", hay nói đúng hơn là một "bán mặt trăng" của Trái Đất, có thể ra đời từ hố va chạm Giordano Bruno khổng lồ.

Sử dụng mô phỏng số, một nhóm do nhà thiên văn học Yifei Jiao thuộc Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc dẫn đầu đã xác định được "quê hương" của Kamo'oalewa: Miệng hố va chạm Giordano Bruno trên Mặt Trăng.

 Mặt Trăng tách đôi, sinh ra "mặt trăng thứ 3" cho Trái Đất? 第1张

Hố va chạm Giordano Bruno ở phía tối của Mặt Trăng, tức bán cầu không quay về hướng Trái Đất - Ảnh: NASA

Trước đó, Kamo'oalewa, một tiểu hành tinh bất ngờ lộ diện vào năm 2016, gây bối rối cho các nhà khoa học.

Tiểu hành tinh này không quay quanh Trái Đất cùng kiểu với vệ tinh tự nhiên chính thức duy nhất mang tên Mặt Trăng. Thay vào đó, nó hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời trong 366 ngày, gần như trùng khớp với chu kỳ quay của Trái Đất.

Điều này khiến nó xuất hiện như thể đang quay quanh Trái Đất, do đó được coi như một "bán mặt trăng" của địa cầu.

Gọi là "mặt trăng thứ 3" bởi trước nó, một tiểu hành tinh mang tên 2023 FW13 cũng được phát hiện đã âm thầm quay quanh Trái Đất trong hàng ngàn năm và chỉ rời khỏi sau khoảng 3.700 năm nữa, nên được đặt biệt danh là "mặt trăng thứ 2".

Cuối năm 2023, nhóm nghiên cứu từ Đại học Arizona (Mỹ) đã chứng minh thành phần của Kamo'oalewa giống với Mặt Trăng, nên rất có thể là một mảnh của Mặt Trăng đã vỡ ra trong vụ va chạm.

Nghiên cứu mới của TS Jiao và các cộng sự đã tiếp nối và góp phần chứng minh giả thuyết đó bằng cách lập một mô hình tác động để suy ra loại tác động cần thiết, kích thước của hố va chạm để lại trên Mặt Trăng, cũng như một số yếu tố liên quan khác.

Tất cả các mô hình đều hướng về Giordano Bruno.