Việt Nam sẽ có thêm dư địa để giảm lãi suất huy động và cho vay nếu FED có thêm những động thái tích cực hơn
Ngày 20-9, một ngày sau quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm % của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giá USD ở các ngân hàng (NH) thương mại tại Việt Nam giảm mạnh 120 đồng, xuống còn 24.360 - 24.700 đồng/USD bán ra. Tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cũng giảm 19 đồng, xuống còn 24.148 đồng/USD. Các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho lãi suất và kinh tế Việt Nam.
Lãi suất toàn cầu hạ nhiệt
Theo Quỹ Đầu tư Dragon Capital, việc FED giảm lãi suất giúp giảm áp lực lên tỉ giá hối đoái, VNĐ đã tăng hơn 3% so với 2 tháng trước đây giúp tỉ giá USD/VNĐ hạ nhiệt đáng kể. Điều này tạo tiền đề cho lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam ổn định hơn, góp phần thúc đẩy giải ngân cho đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng.
Các chuyên gia kỳ vọng tỉ giá, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế .Ảnh: TẤN THẠNH
TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng vừa có báo cáo Đánh giá nhanh về việc FED chính thức lộ trình hạ lãi suất và những tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới và Việt Nam. Theo đó, việc FED giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết đồng tiền khác (trong đó có VNĐ) làm giảm sức ép tỉ giá.
Từ mức đỉnh mất giá 4,9% hồi cuối tháng 5, hiện tại tỉ giá chỉ còn tăng khoảng 1,6% và dự báo VNĐ sẽ chỉ mất giá khoảng 1,3%-1,7% cho cả năm. "Tỉ giá ổn định góp phần giảm chi phí nhập khẩu trong khi xuất khẩu không bị tác động nhiều do cấu trúc nền kinh tế" - TS Cấn Văn Lực phân tích.
Một trong những tác động lớn của việc FED đảo chiều chính sách lãi suất là NHNN sẽ có dư địa trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất. Theo TS Cấn Văn Lực, FED giảm lãi suất sẽ làm cho lãi suất toàn cầu có xu hướng hạ nhiệt.
Tại Việt Nam, lãi suất ngoại tệ - nhất là bằng đồng USD và EUR giảm, góp phần ổn định mặt bằng lãi suất nói chung (trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng), giảm chi phí vốn vay bằng ngoại tệ đối với cả vốn vay cũ và mới. Theo NHNN, mức độ đô la hóa hay vay nợ bằng USD của Việt Nam hiện chiếm khoảng 6,4% tổng dư nợ cho nền kinh tế.
Ngoài ra, chi phí vốn vay của Chính phủ và DN nước ngoài (FDI) bằng ngoại tệ cũng giảm một phần, góp phần giảm rủi ro nợ vay và kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới. "Việc FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ cơ bản là tác động tích cực đối với kinh tế nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức khó lường. Để bảo đảm thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội, Chính phủ đề ra, cần kiên định chính sách tiền tệ, tiếp tục linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỉ giá và thị trường ngoại hối, thị trường vàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong mục tiêu" - TS Cấn Văn Lực nói.
Kỳ vọng lãi suất vay giảm thêm 0,5 - 1 điểm%
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, NH UOB (Singapore), nhận định bất chấp tác động của cơn bão vừa qua và tỉ giá USD/VNĐ phục hồi đáng kể từ tháng 7-2024, kỳ vọng NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong phần còn lại của năm. "NHNN có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ cá nhân và DN bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Dự đoán NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% như hiện tại và tập trung vào việc tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng, cùng các biện pháp hỗ trợ khác" - ông Suan Teck Kin nói.
Nhận định về tỉ giá và lãi suất của Việt Nam trong thời gian tới, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), cho rằng nếu lạm phát của Mỹ đi đúng lộ trình, FED chắc chắn sẽ tiếp tục giảm lãi suất và kịch bản "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ là khả dĩ. Điều đó sẽ tác động tích cực lên nhiều đối tác thương mại với Mỹ trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam bớt áp lực với tỉ giá, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, NHNN có thêm dư địa để thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới. Đặc biệt các tỉnh phía Bắc mới trải qua một đợt thiên tai cần nhiều sự hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ lãi suất để tái thiết các hoạt động sản xuất - kinh doanh sau bão lũ.
Ngoài ra, việc giữ ổn định lãi suất và tỉ giá ở mức thấp sẽ giúp thu hút dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sắp tới. Dòng vốn FDI đã tốt nay còn tích cực hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng có cùng nhận định khi cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa để giảm lãi suất huy động và cho vay nếu FED giảm thêm lãi suất. "Khi giá trị đồng USD giảm nhiều hơn, NHNN chỉ cần giảm thêm lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất NH, giúp giảm chi phí đầu vào của hệ thống NH.
Từ đó, các NH thương mại có điều kiện để giảm thêm 0,5 - 1 điểm % lãi suất cho vay đối với các DN sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xuất khẩu, đặc biệt là các đối tượng bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Đồng thời, NHNN có thể mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối, tức là nguồn cung VNĐ sẽ tăng. Các NH thương mại có thể giảm lãi suất tiền gửi, kéo lãi suất cho vay giảm theo" - ông Minh phân tích.
NHNN chủ động trong điều hành
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho rằng FED tăng giảm lãi suất là hoạt động điều hành bình thường, nằm trong lịch trình đã được công bố công khai. Thời gian qua, FED tăng mạnh lãi suất và duy trì ở mức cao từ năm 2022 đến nay đã gây áp lực lớn đối với tỉ giá và lãi suất tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Do đó, khi cơ quan này giảm lãi suất, những áp lực này cũng giảm theo, thể hiện qua việc tỉ giá thị trường giảm mạnh thời gian gần đây. Trong tình hình đó, NHNN đã chủ động giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN và người dân, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đăng thảo luận