Được tích tụ sau hàng chục triệu năm, nhựa cây hóa thạch, được gọi là hổ phách, đã mê hoặc các nhà sản xuất đồ trang sức và truyền cảm hứng cho giới nghiên cứu khoa học.
Trong 200 năm qua, các nhà cổ sinh vật học trên khắp thế giới đã sử dụng hổ phách để tìm hiểu về quá khứ xa xưa bằng cách nghiên cứu các hóa thạch cổ đại được bảo tồn bên trong nó.
Cách hổ phách hình thành
Hổ phách thực chất là nhựa của cây lá kim cổ đại, một loại chất lỏng có tông màu ấm, chảy ra từ những cây bị bệnh hoặc có vết thủng ở thân.
Đây là một chất phức tạp, dính, không tan trong nước và cứng lại khi tiếp xúc với không khí để tạo thành lớp vỏ bảo vệ vết thương của cây, giúp tránh nấm và các mầm bệnh khác.
Vì nhựa có tính dính nên các sinh vật nhỏ có thể mắc kẹt trong đó khi nhựa rỉ ra trên vỏ cây, nhỏ giọt xuống đất, rơi xuống nước, sau đó những giọt nhựa này bị chôn vùi tại chỗ hoặc bị cuốn trôi ra sông, biển.
Theo thời gian bị chôn vùi trong trầm tích, những giọt nhựa cây dưới tác động của áp suất và nhiệt độ sẽ trải qua vô số sự thay đổi và biến đổi để “trưởng thành,” trở thành một lớp liên kết phân tử dày đặc, cứng như đá và trong như thủy tinh mà chúng ta gọi là hổ phách, và nó cũng có thể bảo tồn hình dạng của bất kỳ sinh vật nào bị mắc kẹt bên trong nó với sự nguyên vẹn từ hình dạng đến cấu trúc đáng kinh ngạc.
Hổ phách được tìm thấy có 7 màu chính và 300 đới màu khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là màu vàng ánh da cam, gần giống màu mật ong. Hiếm gặp hơn là hổ phách màu đỏ, xanh lá cây và đặc biệt quý hiếm là màu xanh dương.
Chỉ khoảng 10% hổ phách là trong suốt, còn lại 90% là mờ đục. Những màu sắc khác nhau này được quyết định do nguồn nhựa cây hóa thạch tự nhiên và các loại tạp chất bên trong.
Hổ phách lâu đời nhất trên Trái đất - được tìm thấy ở vỉa than Illinois của Mỹ - có niên đại khoảng 320 triệu năm tuổi, rất lâu trước khi khủng long xuất hiện.
Tuy nhiên, những khối hổ phách này có chiều rộng trung bình chưa đến 1/4 inch và chúng không chứa bất kỳ hóa thạch nào bên trong.
Theo Hiệp hội Đá quý màu Quốc tế (ICA), hổ phách phải có tuổi ít nhất từ 40.000 năm, còn Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA) thì cho rằng phải mất 1 triệu năm nhựa cây mới biến thành hổ phách.
Đăng thảo luận